Thời hiện đại Lịch_sử_Beograd

Beograd khoảng 1890.

Thủ đô của Serbia độc lập

Nền độc lập đã tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế và văn hóa của Beograd trong nửa cuối thế kỷ 19, song song với quá trình đô thị hóa diễn ra khắp châu Âu.[35][39] Tâm điểm phát triển của Beograd nằm ở Đường Hoàng thân Mihailo nối pháo đài với khu phố. Con đường này sớm mọc lên các trung tâm mua bán và kinh doanh quan trọng nhất, vai trò đó giữ đến tận ngày nay. Năm 1883 thiết lập tuyến đường dây điện thoại đầu tiên. Năm 1884 khánh thánh tuyến đường sắt Beograd-Nis chạy qua cầu sông Sava. Năm 1892 đưa vào sử dụng mạng lưới cấp nước cho toàn thành phố. Năm 1893 lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng. Năm 1894 triển khai hệ thống đường tàu điện.[40] Tháng 6 năm 1896, Beograd là nơi đầu tiên trong toàn Balkan và Trung Âu tổ chức công chiếu phim, do Andre Carr đại diện cho Anh em nhà Lumière thực hiện. Ông cũng quay những thước phim đầu tiên về Beograd, nhưng ngày nay không còn.[41]

Đường Mihailo qua hai thế kỷ

Tuy có tuyến đường sắt đến Niš là thành phố lớn thứ hai, cả Serbia lúc ấy vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, dân số Beograd chỉ khoảng 69.000 người vào năm 1900. Đến năm 1905, dân số tăng lên hơn 80.000 người. Năm 1914, vào đầu Thế chiến I, dân số Beograd là 100.000 người, không tính Zemun thuộc đế quốc Áo-Hung.[42][43]

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Bộ binh Serbia trong Chiến tranh thế giới thứ nhất

Ngày 28 tháng 7 năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ khi Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, hầu hết chiến cuộc ở Balkan đều diễn ra quanh Beograd. Ngày 29 tháng 7 năm 1914, quân Áo-Hung bắt đầu pháo kích Beograd, đến ngày 30 tháng 11, tướng Oscar Potiorek chiếm được thành phố. Ngày 15 tháng 12, quân đội Serbia tái chiếm dưới quyền chỉ huy của Thống chế Radomir Putnik trong trận Kolubara.

Ngày 9 tháng 10 năm 1915, sau 4 ngày chiến đấu, Beograd rơi vào tay liên quân Đức-Áo-Hung dưới quyền chỉ huy của nguyên soái Augusta von Makenzen và bị đổi theo tên Nándorfehérvár trong tiếng Hungary.[44]

Ngày 1 tháng 11 năm 1918, hoàng tử nhiếp chính Aleksandar chỉ huy quân Serbia phối hợp với quân Pháp của tướng Louis Franchet d'Espèrey giải phóng Beograd.

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai

Cùng năm 1918, Beograd trở thành thủ đô của Vương quốc Serb, Croats và Sloven sau đổi tên thành Vương quốc Nam Tư vào năm 1929. Năm 1922, Vương quốc được chia làm 33 oblast (tỉnh), đến năm 1929 chia lại theo hệ thống mới gồm 9 banovina, Beograd hợp nhất với Zemun, Pančevo thành Quận hành chính Beograd trực thuộc vương quốc.

Hoàng cung Beograd, hoàn thành năm 1929

Beograd phát triển nhanh chóng và hiện đại hóa đáng kể với tư cách là thủ đô của Vương quốc Nam Tư mới. Một thực tế ít được biết đến là Beograd khi ấy có một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại châu Âu.[45] Năm 1931, sau khi sáp nhập Zemun (thuộc Đế quốc Áo-Hung trước kia), dân số Beograd tăng lên 239.000 người. Đến năm 1940, dân số đạt đến 320.000 người, tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm giai đoạn 1921-1948 là 4,08%.[43] Năm 1923, tuyến hàng không Paris - Budapest mở rộng đến Beograd và tới năm 1927, mở cửa sân bay Beograd. Năm 1929, Đài phát thanh Beograd bắt đầu phát sóng. Vua Alexander I Karadjordjevic bãi bỏ hiến pháp Vidovdan và thiết lập một chế độ quân chủ độc tài. Như tất cả các đô thị khác trong nước, cơ quan dân cử tại Beograd bị thay thế bằng thị trưởng do vua bổ nhiệm.

Beograd, 1933 Cầu Vua Alexander, 1934-1941

Năm 1934 xây dựng cây cầu bắc qua sông Sava tên là "Cầu Vua Alexander" hay cầu "xe điện".[lower-alpha 3] Năm 1935, cầu Pančevo là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Danube bắt đầu thông tuyến. Năm 1937 mở khu Triển lãm Thương mại Beogradski Sajam. Trong 20 năm, 7.971 tòa nhà chung cư trị giá khoảng 4 tỷ dinar được xây cất. Hai phần trong số đó có tầng hầm, 601 có hệ thống sưởi trung tâm và khoảng 700 thang máy. Kể từ cuối những năm 1930, nhiều tòa nhà cao tầng hơn đã được xây dựng với những căn hộ từ ba phòng trở lên.[46]

Ngày 3 tháng 9 năm 1939, đã diễn ra cuộc đua Grand Prix Beograd lần đầu tiên quanh thành cổ Beograd, cũng là giải Grand Prix cuối cùng trước Chiến tranh thế giới thứ hai, thu hút 80.000 khán giả,[47] Tazio Nuvolari giành chức vô địch.[48]

  • Beograd Oblast, 1922-1929.
  • Quận hành chính Beograd bao quanh bởi Danube Banovina (1931)

Chiến tranh thế giới thứ hai

Beograd sau trận bom năm 1941.

Ngày 25 tháng 3 năm 1941, Nam Tư ký Hiệp ước Tripartite và gia nhập Phe Trục để giữ trung lập tránh chiến tranh. Biểu tình lớn phản đối nổ ra ở Beograd, và tướng không quân Dušan Simović đảo chính vào ngày 27 tháng 3, lập Peter II lên làm vua Nam Tư. Ngày 6 và 7 tháng 4, Luffwaffe dội bom thành phố khiến hơn 24.000 người chết, đồng thời phá hủy Thư viện quốc gia, đốt cháy hàng ngàn thư tịch Trung cổ quý giá.[49] Với sự hỗ trợ của Albani và Croatia, quân Đức, Ý, HungaryBulgaria tấn công Nam Tư. Sau sự sụp đổ của Vương quốc Nam Tư, vùng ngoại ô Sremski của Beograd (Zemun) sáp nhập vào Nhà nước Độc lập Croatia, quốc gia bù nhìn của Đức Quốc xã. Đức quốc xã cũng ủng hộ việc thành lập chính phủ Milan Nedic tại Beograd và miền trung Serbia.[50]

Hè thu năm 1941, để trả thù các cuộc tấn công du kích, quân Đức nhiều lần thảm sát dân chúng Beograd, đặc biệt là dân Do Thái. Thống lĩnh quân đội Đức ở Serbia, tướng Franz Böhme đặt ra quy tắc rằng cứ mỗi người Đức bị giết, 100 người Serb hoặc người Do Thái sẽ phải đền mạng.[51] Phong trào kháng chiến Beograd do Thiếu tá Žarko Todorovic lãnh đạo từ năm 1941 đến khi bị bắt vào năm 1943.[52]

Dân Do Thái tập trung tháng 4 năm 1941.

Khoảng 125.000 người Do Thái, người digan, người cộng sản, người chống phát-xít ở Beograd bị lùa vào các trại tập trung Sajmiste và Banjica. Từ năm 1643, cộng đồng Do Thái đã sinh sống tại quận Dorcol gần sông Danube. Trước chiến tranh có khoảng 10.400 người Do Thái, và chỉ khoảng 10% trong số đó sống sót sau chiến tranh. Khoảng 40.000 người Serb và 7-8.000 người Do Thái đã bị giết tại khu Triển lãm.[53] Khoảng 4.200 người đã bị giết ở Banjica. Trại này chủ yếu do những kẻ Serbia thân Quốc xã điều hành.[54]

Ngày 16-17 tháng 4 năm 1944, quân Đồng minh ném bom thành phố khiến 1.600 người chết.[49]

Ngày 13-14 tháng 10 năm 1944, quân giải phóng Nam Tư phối hợp với Hồng quân tiến đánh Beograd và giải phóng thành phố vào ngày 20 tháng 10. Quân giải phóng thiệt hại 1.000 lính, và Hồng quân mất khoảng 2.000. Trong suốt cuộc chiến, Beograd có khoảng 50.000 người chết và bị tàn phá nặng nề.[49] Tất cả Serbia (bao gồm Beograd) đã dốc toàn lực để phá vỡ mặt trận Sremski.

Ngày 29 tháng 11 năm 1945, tại Beograd, Nguyên soái Josip Broz Tito tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Liên bang Nam Tư (sau đổi tên thành Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư vào ngày 7 tháng 4 năm 1963).[55] Theo ước tính của một cựu cảnh sát mật chế độ cũ, nạn nhân các cuộc đàn áp chính trị ở Beograd lên tới hơn 10.000 người.[56]

Thời hậu chiến

Khu Beograd Mới 1978.

Sau chiến tranh, Beograd tiếp tục là thủ đô của Nam Tư mới và sớm phát triển thành một trung tâm công nghiệp lớn.[57]

Năm 1948, các đội thanh niên tình nguyện bắt đầu xây dựng khu Beograd Mới ở bờ bên kia sông Sava từ các bãi ngập nước và lau sậy..

Tháng 1 năm 1961, sau vụ xử bắn Patrice Lumumba, cuộc biểu tình dữ dội ở Beograd làm xung đột khốc liệt khiến nhiều người bị thương. Đại sứ quán Bỉ cũng bị cướp phá.

Năm 1961, hội nghị đầu tiên của Phong trào không liên kết được tổ chức tại Beograd. Năm 1968 diễn ra cuộc biểu tình lớn của sinh viên.

Tháng 3 năm 1972, Beograd là trung tâm bùng phát dịch bệnh đậu mùa lần cuối ở châu Âu. Công tác kiểm soát dịch bệnh bao gồm bắt buộc cách ly và tiêm chủng hàng loạt đã kết thúc vào cuối tháng 5.[58]

Khu Beograd Mới 1978. Bảng cổ động in hình ảnh Tito và dòng chữ "Chúng ta lao động kiến tạo tương lai hạnh phúc hơn".

Từ năm 1977 đến 1978, Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (KEBS) được tổ chức ở Beograd tại Trung tâm hội nghị Sava mới được xây dựng. Năm 1979 diễn ra hội nghị thường niên của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Năm 1980, Beograd tổ chức Đại hội đồng UNESCO lần thứ 21.

Tháng 5 năm 1980, tổng thống trọn đời của Nam Tư, Joseph Broz Tito qua đời. Bên cạnh hầu hết các chính trị gia thế giới đến viếng, khoảng 700.000 công dân trong nước đã tham dự lễ tang.[40] Năm 1983 tổ chức hội nghị thường niên UNCTAD.

Bảo tàng Hàng không Beograd, 1989

Năm 1958, Đài phát thanh truyền hình Beograd bắt đầu phát sóng liên tục. Năm 1967, Liên hoan Sân khấu Quốc tế Beograd (BITEF) đầu tiên được tổ chức. Năm 1969 hoàn tất xây dựng tòa nhà Beograđanka (Quý bà Beograd). Hai năm sau, khánh thành cầu Gazela và đường cao tốc xuyên qua Beograd, cũng là lần đầu tiên tổ chức Liên hoan phim quốc tế Beograd (FEST). Năm 1995 khai trương ga tàu điện ngầm Vukov Spomenik (tượng đài Vukov).

Nam Tư tan vỡ

Ngày 9 tháng 3 năm 1991, các cuộc biểu tình lớn do Vuk Draskovic lãnh đạo được tổ chức ở Beograd để chống lại chế độ Slobodan Milošević. Theo các nguồn tin khác nhau, có khoảng 100.000 đến 150.000 người đã xuống đường ngày hôm đó. Hai người chết, 203 người bị thương và 108 người bị bắt giữ, xe tăng JNA được đưa đến để vãn hồi trật tự.[59]

Sinh viên biểu tình năm 1991

Không công nhận kết quả bầu cử năm 1996, phe đối lập quy tụ dân chúng và sinh viên Beograd xuống đường hàng ngày chống lại sự cai trị của Milošević từ tháng 11 năm 1996 đến tháng 2 năm 1997.[60] Kết quả đã đưa Zoran Đinđić trở thành thị trưởng Beograd đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai mà không phải người của Liên đoàn Cộng sản Nam Tư, tiền thân của Đảng Xã hội Serbia.[61]

Trong xung đột Kosovo năm 1999, NATO không kích Nam Tư gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng đô thị. Bom rơi trúng hoặc đánh sập các tòa nhà công quyền như trụ sở các bộ, đài phát thanh truyền hình Serbia khiến 16 nhân viên thiệt mạng, một số bệnh viện, khách sạn, tháp Ušće, tháp viễn thông Avala và Đại sứ quán Trung Quốc ở khu Beograd Mới.[62] Nhiều tàn tích vẫn được giữ nguyên hiện trạng làm khu tưởng niệm chiến tranh.[63]

Sau cuộc bầu cử ngày 24 tháng 9 năm 2000, Beograd diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ với 800.000 người theo ước tính của cảnh sát, nhưng các nguồn tin khác cho rằng có tới 1.000.000 người tham gia, dẫn đến sự cáo chung của chế độ Milošević.[64]

Đương đại

Ngày 4 tháng 2 năm 2003, Hiến chương Hiến pháp của Nhà nước Liên minh Serbia và Montenegro được thông qua, Beograd vẫn là thủ đô. Ngày 12 tháng 3, Thủ tướng Zoran Đinđić bị ám sát. Năm 2006, sau khi Montenegro tuyên bố độc lập, Beograd lấy trưng cầu dân ý và tiếp tục là thủ đô của riêng Serbia.

Năm 2008 diễn ra cuộc biểu tình chống lại tuyên bố độc lập của Kosovo.

Khai trương cây cầu trên sông Ada

Vào đúng đêm giao thừa giữa ngày 31 tháng 12 năm 2011 và ngày 1 tháng 1 năm 2012, cầu Ada chính thức được khánh thành trong ánh sáng pháo hoa tràn ngập.

Năm 2015, một thỏa thuận đã đạt được với Eagle Hills (một công ty của UAE) chính thức khởi động dự án xây dựng "Beograd bên sông" (Beograd na vodi), đây là một trong những dự án phát triển đô thị lớn nhất ở châu Âu, tổng giá trị lên tới 3,5 tỷ euro.[65][66]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Beograd http://www.belgradenet.com/belgrade_history.html http://www.belgradewaterfront.com/en/project-phase... http://www.beligrad.com/history.htm http://www.historynet.com/magazines/military_histo... http://www.timetravelturtle.com/2013/07/ruined-bui... http://www.vreme.com/arhiva_html/450/2.html http://www.mek.oszk.hu/02000/02085/02085.htm http://www.znaci.net/00001/4_14_1_6.htm //doi.org/10.2298%2FSTA0858009S //dx.doi.org/10.1016%2Fj.jas.2010.06.012